Lâu nay, giới khoa học vẫn nhầm tưởng nguyên nhân tuyệt chủng của các loài thú khổng lồ từng tồn tại xa xưa ở châu Phi bắt nguồn từ hoạt động săn bắn của loài người.
Tuy nhiên, kết quả một nghiên cứu mới công bố cho rằng yếu tố môi trường như sự suy giảm nồng độ CO2 trong khí quyển và sự mở rộng diện tích của đồng cỏ mới là "thủ phạm" khiến các loài thú khổng lồ biến mất.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, báo cáo mới nhất đăng trên tạp chí khoa học danh tiếng Science phân tích tập tính của các loài thú khổng lồ (megaherbivore) tại khu vực Đông Phi 7 triệu năm trước cho biết sự diệt vong của megaherbivore đã diễn ra trước khi có hoạt động săn bắn của loài người.
Tiến sĩ Khoa học John Rowan thuộc trường Đại học Massachusetts Amherst và là đồng tác giả của công trình nghiên cứu, nêu rõ nồng độ CO2 trong khí quyển thấp sẽ khiến sự sinh trưởng của nhóm cây bụi-thức ăn chủ yếu của megaherbivore, suy giảm nghiêm trọng và dần biến các khu rừng thành đồng cỏ. Tiến sĩ người Mỹ cho biết các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng rằng nhiều loài megaherbivore đã bị diệt vong cùng thời điểm với sự biến mất của các loài cây bụi.
Nghiên cứu này chỉ ra rằng 28 phân loài thuộc họ megaherbivore đã bị diệt vong khoảng 6,4 triệu năm trước, ngoại trừ voi, hà mã, tê giác và hươu cao cổ-những động vật megaherbivore đã may mắn sống sót cho đến ngày nay.
Đóng góp vào giả thuyết về nguyên nhân diệt vọng của megaherbivore, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford tại Anh cho rằng mặc dù chưa rõ thời điểm chính xác hoạt động của con người bắt đầu ảnh hưởng đến số lượng của các loài động vật nhưng có những bằng chứng rõ ràng rằng việc này mới chỉ diễn ra cách đây khoảng vài chục nghìn năm trước.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu trên cho rằng nguyên nhân diệt vong của megaherbivore vẫn là một vấn đề phức tạp và đa chiều nên giới khoa học thế giới sẽ cần phải tiến hành những nghiên cứu tiếp theo./.
Theo Vietnamplus